Kỹ thuật sơn mài cổ điển và hiện đại. Phần 3: Cách mài, đánh bóng tranh sơn mài

phan-3-cach-mai-danh-bong-tranh-son-mai (1)

Mài và đánh bóng tranh sơn mài chính là công đoạn cuối cùng để hoàn thiện tác phẩm nghệ thuật sơn mài. Công đoạn này cũng áp dụng cho các sản phẩm mỹ nghệ sơn mài khác; ở đây Đông Phương sẽ tập trung nói về tranh. 

Mài và đánh bóng không chỉ là công đoạn hoàn thiện cuối cùng, mà còn là thao tác sau mỗi lần làm vóc hay trang trí tranh. Với mỗi lớp vóc, mỗi lớp vẽ, người nghệ nhân sơn mài đều lặp đi lặp lại thao tác phủ sơn và mài tác phẩm trong nước. Đây chính là điểm đặc biệt của nghệ thuật sơn mài, mà không một loại hình nghệ thuật nào trên thế giới có được.  

I. Mài, đánh bóng: Bước cuối cùng của nghệ thuật làm tranh sơn mài  

Theo mythuatms.com

Thủ công mỹ nghệ (Handicraft, Artisanry Handmade) chỉ các loại hình sản phẩm được làm hoàn toàn bằng tay dưới sự hỗ trợ của công cụ đơn giản. Nói cách khác, sản phẩm Thủ công mỹ nghệ – Handicraft là kết quả từ bàn tay của nghệ nhân thủ công. Chúng phô bày vẻ đẹp của sự khéo léo cùng kỹ thuật truyền thống; chúng không được tạo ra từ quá trình sản xuất máy móc hàng loạt.

Cách làm tranh sơn mài và đồ dùng sơn mài giống nhau, do đó dòng tranh đặc biệt này cũng có thể xếp vào loại thủ công mỹ nghệ. Thế giới có rất nhiều loại hình sản phẩm được làm thủ công bằng tay, với cách thức đa dạng đến từ hàng trăm nền văn hóa khắp Địa Cầu. Tuy nhiên, chỉ có các sản phẩm sơn mài Việt Nam mới có bước mài và đánh bóng tranh sơn mài. Đây là điều khiến bạn bè quốc tế ấn tượng nhất khi tiếp xúc với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam. 

Tại showroom của Đông Phương Art – nơi tiếp đón hàng trăm đoàn khách quốc tế mỗi năm – các sản phẩm tranh sơn mài đều được những vị khách phương xa đặc biệt nâng niu trân trọng. 

II. Kỹ thuật mài trong chế tác sản phẩm sơn mài

1. Tại sao lại có bước mài trong nghệ thuật sơn mài?

Chúng ta cần công đoạn mài, vì sau khi phủ nhiều lớp sơn dày, nghệ nhân phải mài mòn đi mới nhìn thấy họa tiết tranh. Công đoạn mài xuất hiện ngay từ bước làm vóc. 

Khi làm vóc, người nghệ nhân phủ sơn đen, sau đó mài dưới nước để giúp tấm vóc cứng cáp. Mài xong, họ sẽ hong khô tấm vóc, rồi lại tiếp tục phủ sơn và mài. Công đoạn mài lặp đi lặp lại đến khi tấm vóc đã sẵn sàng để trang trí.

Đến bước trang trí, công đoạn mài lại đóng một vai trò nghệ thuật hơn hẳn. 

Sự khác nhau giữa làm tranh sơn mài và tranh bình thường, đó là tranh bình thường vẽ cảnh trước, vẽ chi tiết sau; còn tranh sơn mài thì ngược lại. Sau khi vẽ chi tiết, nghệ nhân sẽ phủ sơn toàn bộ tác phẩm sơn mài, sau đó dùng giấy nhám mài trên tác phẩm để làm phẳng các chi tiết cũng như để lộ ra những mảng màu đúng ý đồ. Tuy vậy, vẫn còn một tỉ lệ ngẫu nhiên khi mảng màu lộ ra không như nghệ nhân tính toán; và đây cũng là một trong những điều đặc biệt chỉ có ở sơn mài.  

Nghệ nhân sơn mài Đông Phương thực hiện mài đĩa trứng dưới nước

Người họa sĩ sơn mài vừa phải có sự nhạy cảm, tinh tế đầy nghệ thuật, vừa phải có tay nghề vững vàng để mài đúng kỹ thuật. Bức tranh sơn mài có sống động không, có đạt chiều sâu cần thiết không, các mảng màu có mang tính nghệ thuật không,… phụ thuộc rất nhiều vào công đoạn mài này. 

2. Mỗi cách trang trí lại có một kỹ thuật mài khác nhau

Chúng tôi đã chia sẻ về tính ngẫu nhiên đầy nghệ thuật của công đoạn mài trong nội dung phía trên. Để sự ngẫu nhiên ấy không phá hỏng tác phẩm, người họa sĩ sơn mài thường tuân thủ theo một quy trình xác định. 

Trong phần trước, Đông Phương đã chia sẻ về 3 cách trang trí sơn mài là vẽ, khảm trai, cẩn trứng. Đối với mỗi cách trang trí khác nhau, quy trình mài lại khác đi một chút.

  • Vẽ họa tiết: Phủ sơn pha loãng, quét lớp mỏng, công đoạn này cần 5-7 lớp sơn tùy theo tay người thợ thủ công sơn dày hay mỏng (nếu sơn dày quá sẽ hỏng vì sơn không khô bên trong). Sau mỗi nước sơn để khô 2-3 ngày sẽ đem xuống nước mài với giấy nhám mịn trước khi kéo lớp tiếp theo.
  • Khảm trai: Sau khi khảm, bắt đầu chuyển sang công đoạn kéo sơn làm đầy bề mặt khảm trai. Mỗi nước sơn cần để tấm tranh khô tự nhiên trong bóng râm 2-3 ngày, sau đó đem ra mài nước với giấy nhám trước khi sơn nước tiếp theo, liên tục sơn 6-8 nước sơn cho đến khi những mảnh trai có độ tương đồng với bề mặt gỗ.
  • Cẩn trứng: Sau công đoạn cẩn trứng là công đoạn quét sơn và mài. Công đoạn này cần quét 5-7 nước sơn và mỗi nước sơn đều phải để khô tự nhiên 2-3 ngày trước khi đem xuống nước mài và sơn những nước sơn mới. Khi hoàn thiện trứng sẽ nằm dưới sơn và bề mặt tấm tranh trở nên phẳng, mịn và bóng.

Dù bức tranh đã trở nên bóng đẹp, nghệ nhân sơn mài truyền thống vẫn cần một bước đánh bóng tranh sơn mài để hoàn thiện tác phẩm. Đánh bóng tranh sơn mài không dựa nhiều vào kỹ thuật như bước mài, mà dựa nhiều vào chất liệu. 

III. Kỹ thuật đánh bóng tranh sơn mài

1. Tại sao chúng ta cần đánh bóng tranh sơn mài?

Chúng ta cần công đoạn đánh bóng (phủ bóng), vì đây là khâu quyết định để đánh giá hiệu quả và tính thẩm mỹ của tranh sơn mài. Một bức tranh với bề mặt bóng loáng không tỳ vết từng là một trong những yếu tố để đánh giá sự cao cấp và sang trọng. Ngày nay, dù thị hiếu người Việt đã thay đổi, song tranh sơn mài bóng đẹp vẫn được khách hàng yêu mến lựa chọn.

Nghệ nhân Đông Phương Art đánh bóng sơn mài thủ công

Khác với các loại thủ công mỹ nghệ khác, tranh và đồ vật sơn mài không được phủ dầu bóng. Thay vào đó, bức tranh bóng khỏe nhờ từng quy trình phủ sơn và mài thủ công lặp đi lặp lại xuyên suốt quá trình chế tác. 

2. Đánh bóng tranh sơn mài xưa và nay như thế nào?

Sơn mài xưa sử dụng sơn ta cho bước đánh bóng. Chỉ cần dùng bàn tay có độ ẩm hoặc lấy nắm tóc rối xoa lên tranh, tranh sẽ rất bóng. Ngoài ra còn có thể dùng than củi xoan nghiền nhỏ, tóc rối, đá gan gà,… làm dụng cụ. Theo thời gian, sơn ta bộc lộ nhiều nhược điểm và trở nên kém bền hơn các loại sơn hiện đại, nên không còn được sử dụng rộng rãi trong sơn mài nữa. 

Ngày nay, người họa sĩ có thể dùng sơn Nhật để đánh bóng tranh sơn mài. Sơn Nhật cao cấp kết hợp với các bước mài lặp đi lặp lại sẽ giúp bức tranh bóng lên rất đẹp. Loại sơn này giúp người làm sơn mài tiết kiệm thời gian và nâng cấp chất lượng sản phẩm hiệu quả. 

Một điểm mới của kỹ thuật đánh bóng tranh sơn mài, ấy là sự ra đời của phủ lì. Trước đây tranh và đồ vật sơn mài chỉ phủ bóng toàn phần; ngày nay, sơn mài còn có thể phủ lì để hợp gout của khách hàng hiện đại. Nhiều người cho rằng một sản phẩm sáng bóng sẽ không sang trọng bằng lì, vì bóng quá sẽ hắt sáng – chọn sai vị trí đặt tranh có thể là tai họa vì ánh sáng che hết các họa tiết. 

Tại Đông Phương, bạn có thể đặt hàng chúng tôi gia công một tác phẩm với độ bóng hoàn hảo, bóng 50% hay lì – tùy theo thẩm mỹ của bạn. Chúng tôi cũng nhận các đơn hàng đặc biệt khác, như gia công nội thất hay thiết kế mỹ nghệ theo yêu cầu. Liên hệ với Đông Phương Art thông qua số 097 915 33 66, hoặc gửi email cho chúng tôi tại địa chỉ dongphuongart@gmail.com

——

Vậy là chúng ta đã kết thúc loạt bài về kỹ thuật sơn mài hiện đại và cổ điển, với bài viết cuối cùng về đánh bóng tranh sơn mài. Nghệ thuật sơn mài thực sự khác biệt với các bộ môn khác trên thế giới, là niềm tự hào vô bờ của người Việt. Đông Phương hi vọng sẽ mang tình yêu sơn mài của mình lan tỏa tới tất cả mọi người. Đừng để nghệ thuật nước nhà mai một – Đã đến lúc chúng ta cần dành nhiều quan tâm hơn đến sơn mài Việt Nam!

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.