Kỹ thuật sơn mài cổ điển và hiện đại. Phần 1: Làm vóc sơn mài

Kỹ thuật sơn mài chia ra thành ba công đoạn lớn: Làm vóc, Trang trí, và Mài – Đánh bóng. Mỗi công đoạn đều có những điểm rất thú vị độc đáo, mà chúng tôi tin bạn sẽ chưa tìm hiểu kỹ. Ngày hôm nay, Đông Phương xin mời bạn cùng bước vào hành trình tìm hiểu kỹ thuật sơn mài cổ điển và hiện đại, với bài chia sẻ đầu tiên là công đoạn làm vóc sơn mài.

Vóc” ở đây được hiểu là hình dáng cốt gỗ của sản phẩm sơn mài. Một tấm vóc được chuẩn bị truyền thống phải trải qua 4 bước: Làm mộc, chống thấm, đi hom, lót gỗ. Trong khi phong cách nghệ thuật có thể thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử, và nguyên liệu trang trí có thể đổi cách sơ chế để phù hợp với xã hội hiện đại, thì quy trình làm vóc được bảo tồn gần như nguyên vẹn suốt hàng trăm năm lịch sử sơn mài. 

I. Bước đầu tiên trong làm vóc sơn mài là Làm mộc

Đối với các tác phẩm nghệ thuật được làm trên gỗ, cốt gỗ là thành phần quan trọng đầu tiên mà người thợ cần lưu tâm. Cốt gỗ làm từ loại gỗ đủ tuổi, đủ khỏe sẽ giúp giảm bớt các công đoạn gia công về sau. Một số loại hình nghệ thuật còn định giá sản phẩm dựa vào loại gỗ sử dụng để làm cốt. 

Sản phẩm sơn mài chính là một tác phẩm nghệ thuật trên gỗ. Chúng tôi gọi bước tạo hình ban đầu cho khối gỗ là làm mộc. Không giống nghệ thuật khắc gỗ, tạc tượng…, miếng cốt gỗ sẽ không được phô ra trần trụi, mà được bảo quản trong hàng chục nước sơn, vì vậy nghệ nhân sơn mài sẽ không chọn loại gỗ quá đắt tiền để xử lý mộc, mà ưu tiên lựa chọn loại gỗ bền, thân thiện với cuộc sống.

Gỗ mít là loại gỗ được nghệ nhân xưa sử dụng để làm tấm vóc (Nguồn ảnh: https://cafeland.vn/)

Ngày xưa, loại gỗ được “chọn mặt gửi vàng” để bắt đầu công đoạn làm vóc sơn mài là gỗ mít. Mặc dầu đây là thứ gỗ dễ tìm, song công đoạn làm mộc cũng phải kéo dài đến 1 tháng vì mọi quá trình xử lý cây gỗ đều là thủ công. Để tăng năng suất, nghệ nhân xưa hay làm việc theo mô hình làng nghề. Trong làng, mỗi người một công việc, luôn tay luôn chân. Một vài gia đình có nhiệm vụ khai thác và xẻ gỗ thành nhiều miếng vuông vức, một vài gia đình thì sơ chế miếng gỗ, các gia đình khác chia nhau công đoạn làm sơn và trang trí cho bức vóc. Khâu khai thác và sơ chế gỗ phụ thuộc nhiều vào thời tiết và độ tuổi của cây gỗ, chẳng may gặp buổi mưa to gió lớn thì công đoạn làm mộc sẽ khó mà tiến hành suôn sẻ được.  

Ngày nay, mô hình làng nghề vẫn được gìn giữ và phát triển. Công việc của từng gia đình không còn nặng như trước, đặc biệt khâu xử lý mộc đã nhẹ nhàng hơn. Thay vì khai thác gỗ trực tiếp, người nghệ nhân có thể dùng các loại gỗ công nghiệp để thay thế, thường là MDF (Medium Density Fiberboard) và HDF (High Density Fiberboard). Việc xuất hiện gỗ công nghiệp là một bước tiến lớn, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức cho nghệ nhân. 

Sau khi làm mộc xong, chúng ta sẽ sang bước thứ hai trong làm vóc sơn mài, chính là xử lý thấm. 

II. Chống thấm, chống ẩm mốc, mối mọt cho cốt gỗ

Nhiều người nghĩ, công đoạn làm vóc sơn mài sẽ rất khô khan và máy móc, vì có gì đâu ngoài việc cắt xẻ gỗ và sơn đen đâu. 

Sự thật là, khi bạn được chiêm ngưỡng công đoạn hom, thì bạn sẽ thấy cái chất nghệ thuật của người làm sơn mài thực sự là như thế nào. Tuy nhiên, để có thể hom được, phải trải qua một bước chống thấm đã. 

Gỗ là vật liệu có cấu tạo không đẳng hướng, tính chất cơ học của nó không đồng đều. Nói cách khác, trên cùng một miếng gỗ sẽ có chỗ chịu nén tốt hơn, có chỗ thì độ ẩm cao hơn. Miếng gỗ làm cốt dù được cắt gọt kỹ thế nào, thì vẫn không khắc phục được cấu tạo tự nhiên này. 

Để khắc phục vấn đề độ ẩm, người nghệ nhân sẽ dùng công cụ quét sơn chuyên dụng gọi là “thép”, tỉ mỉ phủ lên mọi bề mặt, góc cạnh của cốt gỗ một lớp keo chống thấm. Đây là loại keo chuyên dụng có các thành phần gốc xi măng, gốc epoxy, acrylic, PU, silicon…, với độ bám dính, độ đàn hồi cao có cơ chế chống thấm nước và thời tiết khắc nghiệt. Lớp keo này sẽ giúp bảo vệ cốt gỗ khỏi ngấm nước và bị hư hại bởi mối mọt. 

Nhưng để khắc phục các tính chất khác do cấu tạo không đẳng hướng của gỗ, đòi hỏi người nghệ nhân phải bổ sung vào quy trình làm vóc sơn mài một bước quan trọng gọi là hom. 

III. Đi hom

Đây là công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao nhất trong cả quy trình làm vóc sơn mài. Cốt gỗ hom tốt là điều kiện cần để kéo dài tuổi thọ của tác phẩm sơn mài lên đến vài chục, thậm chí vài trăm năm trong điều kiện tiêu chuẩn. 

Tổng quan về quy trình hom của người nghệ nhân sơn mài xưa có thể tóm tắt trong đoạn trích sau:

Việc hom bó cốt gỗ (đồ vật cần sơn) ngày xưa thường được người làm sử dụng giấy bả, loại giấy chế từ gỗ dó nên rất dai, có độ bền vững hơn vải. Cách bó hom vóc được tiến hành như sau: dùng đất phù sa trộn sơn ta giã nhuyễn cùng giấy bản rồi hom, chít các vết rạn nứt của tấm gỗ. Mỗi lớp sơn lại lót một lớp giấy (hoặc vải màn) sau đó còn phải đục mộng mang cá để cài và gắn sơn cho các nẹp gỗ ngang ở sau tấm vóc (ván gỗ) để chống vết rạn xé dọc tấm vải. Sau đó để gỗ khô kiệt mới hom sơn kín cả mặt trước, mặt sau. Công đoạn này nhằm bảo vệ tấm vóc không thể thấm nước, không bị mối mọt, không phụ thuộc môi trường làm gỗ co ngót.
(“Làng nghề sơn mài Hạ Thái: Sản phẩm kết tinh từ kinh nghiệm truyền thống và sáng tạo” tại https://hanoi.gov.vn/) 

Video mô tả cảnh quét sơn thủ công

Sau mỗi lớp sơn, cần phải để tấm vóc khô tự nhiên trong 2-3 ngày. Khi sơn đã khô, họ mới đem ra chà nhám bề mặt. Rồi cứ thế hom thêm 4-5 nước tương tự, cho đến khi tấm vóc đủ hoàn chỉnh để chuyển sang bước tiếp theo. 

Ngày nay, thay vì hom bằng đất phù sa trộn sơn ta, người nghệ nhân có thể bọc vải xô quét sơn chống thấm và chít bột thạch cao cho tấm vóc. Công đoạn đục mộng mang cá cũng không còn thấy sử dụng nữa (đây là bước đục phần gỗ tạo thành một bên lồi và một bên lõm hình mang con cá, nhằm tạo liên kết bền vững giữa hai bên thanh gỗ). 

Trừ những thay đổi nhỏ như trên, kỹ thuật sơn mài hiện đại không khác gì truyền thống. Dĩ nhiên, một số xưởng làm tranh sơn mài có thể ứng dụng thêm máy móc để làm công đoạn tinh xảo hơn, nhưng tại Đông Phương, chúng tôi vẫn dựa vào bàn tay con người để quét từng lớp sơn, để mài từng lớp nước.

Bể mài tại xưởng của Đông Phương lúc nào cũng tất bật

Để có thể hom một tấm vóc hoàn chỉnh cần rất nhiều thời gian. Không phải người nào cũng có đủ kiên nhẫn để mài tấm vóc bóng loáng, để đợi sơn khô. Không phải ai cũng đánh giá được khối mộc bằng cách chạm vào như người thợ sơn mài. Mài sơn trong nước làm sao cho đều tay cũng là điều khó, nhưng không khó bằng giữ tinh thần kiên định suốt quá trình. 

Nếu có dịp, Đông Phương xin mời bạn đến thăm một xưởng làm sơn mài theo phương pháp truyền thống. Nơi bạn sẽ gặp nhiều người cùng quây quần bên cạnh bể mài, vừa miết tấm vóc vừa trò chuyện vui vẻ. Nụ cười luôn nở trên đôi môi họ, bàn tay từ tốn thăm dò từng góc gỗ, rồi mài một cách nhẹ nhàng không mệt mỏi. Những con người ấy có thể dành hàng tháng trời bên bể mài, âm thầm tạo tuổi cho từng bức tranh, từng sản phẩm mỹ nghệ. Cốt gỗ qua tay họ trở nên chắc, khỏe, phẳng mịn; khi quét sơn ta sẽ bóng như một tấm gương, đẹp như thể đưa vào máy móc xử lý. Nhưng khác ở chỗ: Bạn sẽ thích cách máy móc làm việc chỉn chu, nhưng sẽ yêu cách người nghệ nhân nâng niu tác phẩm. 

IV. Lót gỗ – Công đoạn cuối cùng trong làm vóc sơn mài

Lót gỗ được gọi là bước hoàn thiện trong quá trình làm vóc sơn mài. 

Mặc dầu tấm vóc hom 4-5 nước đã gần như hoàn hảo rồi, nhưng để sản phẩm thực sự chống thấm, thực sự bền, người nghệ nhân sẽ dùng sơn pha loãng và quét đều lên bề mặt tấm vóc 3-4 lớp sơn lót mỏng. Cũng như hom, mỗi lớp sơn cần để khô tự nhiên khoảng 2 ngày. Khi sơn khô, họ sẽ dùng giấy nhám mài vóc trong nước trước khi tiếp tục lớp sơn tiếp theo.

Một chiếc khay đang được mài những bước cuối cùng

Với công đoạn cuối cùng, tấm vóc đã trở nên “bất khả chiến bại” và chống lại được những tác nhân phá hủy nguy hiểm nhất đối với sản phẩm gỗ, đặc biệt là côn trùng. Độ cứng của sản phẩm được hoàn chỉnh hơn, và khả năng chống ẩm cũng được nâng cấp đáng kể. Bước hoàn thiện này giúp sơn mài truyền thống, như các sản phẩm của Đông Phương, có được chỗ đứng vững chắc trong lòng bè bạn khắp nơi trên thế giới. Nhiều khách hàng quốc tế quay lại trò chuyện với chúng tôi, bày tỏ sự ngạc nhiên khi tác phẩm vẫn bóng đẹp dù trải qua nhiều kiểu thời tiết khắc nghiệt. 

Đối với chúng tôi, nghệ thuật sơn mài đại diện cho tính cách dân tộc Việt Nam: Luôn kiên cường trước khó khăn của cuộc đời, mạnh mẽ chống chọi những kẻ ngoại xâm, đồng thời tôi luyện cốt cách ngày càng vững vàng – giống như cốt gỗ trải qua hom lót nhiều nước. Sản phẩm dù đơn giản như bức tranh, chiếc lót cốc, nhưng chứa đựng tinh hoa của cả một dân tộc, một đất nước anh hùng!  

Đến đây, công đoạn làm vóc sơn mài đã kết thúc. Chúng ta đã sẵn sàng chuyển sang bước tiếp theo, chính là công đoạn mà ai cũng yêu thích: Trang trí sơn mài.

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.