Hiểu và yêu tranh sơn mài cùng họa sĩ Phạm Trinh

Từ những rung động với hiện thực cuộc sống, họa sĩ Phạm Trinh đã đem đến nét chấm phá riêng độc đáo cho những tác phẩm sơn mài. Nhắc đến tranh sơn mài Phạm Trinh là cảm nhận về không gian bình yên của làng quê Việt, là gợi nhớ “bóng hình” của một thời vàng son nơi cố đô trầm mặc… có gì xưa cũ, có gì khắc khoải, có gì xa xăm….

I. Giới thiệu đôi nét về họa sĩ Phạm Trinh

Nếu tranh sơn mài được coi là biểu tượng của hội họa Việt Nam – dòng nghệ thuật đặc biệt từ biểu cảm đến chất liệu, thì Phạm Trinh là một biểu tượng độc đáo của nghệ thuật sơn mài.

Xuất thân từ vùng quê Bình Định, rồi đến học tại Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, Phạm Trinh đã đem chất liệu hiện thực cuộc sống vào tác phẩm sơn mài, đem đến chiều sâu, sự lắng đọng và cả “linh hồn” cho những tác phẩm tranh.

Họa sĩ Phạm Trinh (ảnh báo Thừa Thiên Huế)

Sau hơn 30 năm đắm chìm trong nghệ thuật, Phạm Trinh đã tạo được dấu ấn riêng với tranh sơn mài. Không bó hẹp đề tài, Phạm Trinh vẽ mọi điều ông bắt gặp, những điều đem đến cho ông xúc cảm. Trong hành trình khẳng định bản thân, ông vừa vẽ tranh phục vụ khách du lịch, vừa sáng tác những tác phẩm cho riêng mình. Điều tâm niệm lớn nhất của ông là tác phẩm của mình đem đến sự tích cực và hứng thú cho người xem.

Năm 2018, ông được nhận tặng thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật

II. Họa sĩ Phạm Trinh – từ rung động của xúc cảm đến tiếng nói của tạo hình

1. Phạm Trinh – họa sĩ của quê hương làng cảnh Việt Nam

Xuất thân từ vùng quê, tuổi thơ gắn liền với đồng ruộng, con trâu đi cày…, tranh của họa sĩ Phạm Trinh gợi nhớ về ký ức quê hương yên bình. Những hình ảnh làng quê vừa mộc mạc, dung dị lại vừa mang nét đẹp thơ mộng đã đi sâu vào cảm thức của người nhìn mỗi khi thưởng thức tranh của họa sĩ Phạm Trinh.

Ruộng đồng xanh mướt, những chú mục đồng thổi sáo, cảnh chiều quê yên bình… xuất hiện khá nhiều trong những tác phẩm của ông. Nó không đơn thuần là sự ghi lại, tái hiện khung cảnh qua tranh, mà sâu hơn thế, đó là lòng yêu, niềm thương mà Phạm Trinh dành cho quê hương của mình.

Những hình ảnh thân thuộc mà giản dị ấy đã được hoa hậu Ngọc Hân sử dụng làm họa tiết in lên áo dài trong bộ sưu tập “Bức họa đồng quê” được trình diễn trong Festival Huế năm 2017.

Nằm trong seri tranh về chủ đề đồng quê của họa sĩ Phạm Trinh, “Cuộc sống miền quê II” được lấy cảm hứng từ sự tồn tại của tự nhiên, đó là trời, là đất, là sự sống của vạn vật. Họa sĩ đã sử dụng những hình ảnh biểu tượng để thể hiện những hình ảnh quen thuộc, dung dị và mộc mạc như chim, mây, mưa, nắng, gió, ruộng đất…Điểm xuyết vào đó là hình ảnh người nông dân với những sinh hoạt hết sức đời thường như chăn trâu, chèo thuyền…Tất cả đem đến cảm nhận về sự bình yên cho người thưởng thức.

Làng quê luôn là niềm cảm hứng bất tận của họa sĩ. Bức tranh đang có sẵn tại showroom Đông Phương Art

2. “Mảnh ghép tâm hồn” của xứ Huế

Thanh xuân gắn liền với mảnh đất cố đô, những tác phẩm của ông mang đậm tâm hồn Huế với cung điện, lăng tẩm. Những bức tranh về cố đô thể hiện cảm xúc riêng của họa sĩ về vẻ đẹp trầm mặc và lộng lẫy của một thời vàng son thuở nào.

Tất cả những gương mặt, từ vua, quan, hoàng hậu đến khung cảnh lầu son, gác tía, bình phong, cổng thành…đều hiện hữu một cách có chủ ý. Từ đó giúp người xem có trải nghiệm cảm xúc độc đáo, tự hình dung nhân vật theo cảm nhận của chính mình.

Nhắc đến tranh về Huế của họa sĩ Phạm Trinh, không thể không nhắc đến seri tranh nổi tiếng với chủ đề “Bóng tiền nhân”.

Những bức tranh mang đậm chất hoài niệm của họa sĩ về vương triều Nguyễn huy hoàng bị “tàn phai” bởi thời gian và chiến tranh. Phạm Trinh trải lòng: “Bóng tiền nhân là tất cả những gì tôi ấp ủ bấy lâu nay về Huế. Mỗi lần đến thăm di tích Đại Nội, lăng tẩm, tôi luôn cảm thấy những vàng son lộng lẫy thuở nào như cứ chập chờn, lẩn khuất trong cung điện, bên cổng thành, trong Thế Miếu, hay đâu đó ở lăng tẩm. Ẩn hiện, tan chảy và nhạt phai dưới những vệt màu trôi nổi, lãng đãng như khói mây”.

Bộ tranh gồm 21 bức được sáng tác dựa trên tư liệu của những ngày lang thang ghi chép, ký họa, cùng những tư liệu lịch sử về triều Nguyễn. Đó là “những trưa hè oi ả, những chiều bóng xế tà, tôi hay vào Đại Nội vẽ phong cảnh. Dưới những bóng cây cổ thụ, những thành quách rêu phong, cổ kính như ẩn, như hiện, đem đến cho tôi một cảm xúc khó tả…”.

III. Nét đặc sắc trong tranh sơn mài của Phạm Trinh

1. Bố cục tranh rõ ràng, dồn trọng tâm vào chủ thể chính

Với lối tư duy mạch lạc, bố cục trong tranh Phạm Trinh luôn được thể hiện rõ ràng. Trọng tâm bức tranh được dồn vào chủ đề chính, tạo điểm nhấn cho tác phẩm.

“Niềm hy vọng bên ngoài ô cửa”. Bức tranh sơn mài sáng tác bởi họa sĩ Phạm Trinh hiện đang có mặt tại showroom của Đông Phương Art

Chẳng hạn, trong bức “Nguyện cầu”, hình ảnh Đức Phật từ bi, độ lượng hiện lên giữa không trung, thân kim tỏa ánh hào quang, đem đến cho người thưởng thức cảm nhận về sự bình yên, sự giải thoát, sự giác ngộ.

2. Sử dụng nhiều gam màu nâu đỏ, đem đến chiều sâu và sắc thái bình yên

Tranh của Phạm Trinh thiên về gam màu nâu đỏ đem đến hiệu ứng thẩm mỹ mới cho tác phẩm. Đây cũng là gam màu truyền thống của tranh sơn mài, có tác dụng tạo chiều sâu thẩm mỹ.

Lối thể hiện tối giản, gam màu trầm lặng, tranh sơn mài của họa sĩ Phạm Trinh tạo nên nét riêng biệt, độc đáo, dẫn dụ người xem phải dụng tâm khám phá.

3. Kỹ thuật được vận dụng tối đa, tạo nên “hồn cách” cho tác phẩm

Sự biến hóa linh hoạt trong bảng màu, chủ đề, lối thể hiện và cả đường nét và hình mảng…đã đem đến cho tác phẩm của Phạm Trinh một sắc thái riêng. Sự kết hợp hài hòa này tạo cảm xúc cho tác phẩm đồng thời thể hiện tốt khả năng biểu đạt, tạo sự đồng cảm của người xem. Đây là nét độc đáo trong tranh sơn mài của họa sĩ Phạm Trinh so với các tác phẩm sơn mài khác.

Mỗi tác phẩm được hoàn thiện từ sự kết hợp của đôi bàn tay khéo léo và những rung động, cảm xúc chân thực của người nghệ sĩ. Tranh sơn mài Phạm Trinh là những tác phẩm như vậy. Vượt ra ngoài giới hạn về giá trị thẩm mỹ, tính nghệ thuật, tranh Phạm Trinh nuôi dưỡng tâm hồn, gắn kết, tạo sự đồng điệu trong cảm xúc của người thể hiện và người thưởng lãm.

Nếu bạn yêu cái đẹp, say mê nghệ thuật sơn mài, muốn tìm kiếm sự đồng điệu trong tâm hồn, hãy ghé Đông Phương Art để cùng thưởng lãm những mẫu tranh sơn mài của họa sĩ Phạm Trinh nhé!  

Đông Phương – Kết nối tinh hoa sơn mài Việt

  • Facebook Page: Đông Phương Art
  • Địa chỉ: Tòa nhà A2, ngõ 118 – Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy
  • Hotline: 097 915 33 66
Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.