Vừa ngắm tranh vừa nghe nghệ nhân sơn mài kể chuyện

Vừa ngắm tranh vừa nghe nghệ nhân sơn mài kể chuyện

Điều gì thúc đẩy người họa sĩ sáng tác ra những bức tranh tuyệt vời? Điều gì giúp một nghệ nhân sơn mài kiên trì gắn bó với nghề hàng chục năm? Chỉ đam mê thôi là chưa đủ, phía sau các tác phẩm của họ luôn có những câu chuyện ý nghĩa, những kỷ niệm đáng quý khó quên. Cùng Đông Phương Art tìm hiểu sâu hơn về những nghệ nhân thổi hồn cho tác phẩm sơn mài thông qua ba câu chuyện dưới đây! 

I. “Sơn mài đã cho tôi “ hơi thở” và “sống được” với nghề với nghiệp”

Sơn mài là một chất liệu truyền thống của Việt Nam có tự lâu đời. Thời xưa được sử dụng sơn son thếp vàng trang trí trong điện, cung đình, miếu mạo,… Và từ khi trường Mỹ Thuật Đông Dương ra đời (1925 – 1945), chất liệu sơn mài được đưa vào giảng dạy và trở thành một Chuyên khoa Sơn mài trong hội họa. Từ đây, rất nhiều tài năng trẻ tuổi được tiếp xúc với sơn mài và quyết định gắn bó với nghề, trong đó có họa sĩ – nghệ nhân sơn mài Phạm Trinh.

Vừa ngắm tranh vừa nghe nghệ nhân sơn mài kể chuyện
Họa sĩ Phạm Trinh, ảnh trên Indochine Art

Họa sĩ Phạm Trinh kể, ông tiếp xúc với sơn mài khi còn là sinh viên. Thời đó, ông đang là sinh viên năm 3 tại trường Đại học nghệ thuật Huế, là thời điểm sinh viên được phân khoa. Ông đã chọn học khoa sơn mài theo nguyện vọng cá nhân. Trong 2 năm chuyên khoa, anh sinh viên Phạm Trinh được học tập dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của người thầy – cũng là họa sĩ sơn mài dày dạn kinh nghiệm. Phạm Trinh được học những kỹ thuật, phương pháp căn bản để làm tranh sơn mài. 

Những kiến thức học ở trường đã giúp người họa sĩ trẻ Phạm Trinh thêm tự tin phát triển sự nghiệp sau này. 

Khi ra trường, Phạm Trinh tiếp tục học hỏi thêm về sơn mài, rồi chắt lọc những kỹ thuật, chất liệu phù hợp với thể loại tranh, chủ đề tranh mà mình sáng tác. Trong quá trình làm tranh sơn mài, ông vấp phải rất nhiều khó khăn, phần nhiều do chưa thuần thục kỹ thuật, chưa có kinh nghiệm trông trời trông đất trông mây khi làm tranh khiến tranh bị hỏng nhiều. Tuy vậy, ông không nản chí mà quyết tâm gắn bó với nghề.  

Đã hơn 20 năm gắn bó với chất liệu sơn mài, không ít những khó khăn vất vả nhưng Sơn mài đã đem lại cho tôi thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật. Sơn mài đã cùng tôi tạo ra nhiều tác phẩm cho công chúng, cho các nhà sưu tập trong và ngoài nước sưu tập, đem đến cho tôi những giải thưởng như một sự động viên khích lệ,… Nhưng quan trọng hơn cả là Sơn mài đã cho tôi “ hơi thở” và “sống được” với nghề với nghiệp.
– Phạm Trinh –

Vừa ngắm tranh vừa nghe nghệ nhân sơn mài kể chuyện
Họa sĩ Phạm Trinh là tác giả của rất nhiều bức tranh sơn mài giá trị tại Đông Phương Art

Họa sĩ khẳng định, sơn mài là chất liệu phù hợp với sở trường và truyền tải được cảm xúc của ông. Chất liệu sơn mài sẽ theo ông đến khi nào không còn sáng tác tranh được nữa. 

Phạm Trinh bộc bạch, ông từng gặp và gửi gắm tác phẩm cho nhiều đối tác khách hàng, tuy nhiên không có nhiều đối tác uy tín như Đông Phương Art. Qua một quãng thời gian hợp tác có tính “thăm dò”, ông quyết định gửi gắm các tác phẩm của mình cho Đông Phương, và yên tâm tập trung sáng tác nghệ thuật. 

II. Từ cơ duyên đến thành tựu hơn 10.000 bức tranh sơn mài suốt 12 năm

Chúng tôi có dịp chuyện trò với anh Phạm Văn Hướng – một nghệ nhân sơn mài đã gắn bó với Đông Phương Art từ những ngày đầu thành lập. 

Anh kể, anh được tiếp xúc với nghệ thuật sơn mài do cơ duyên. Lần đầu anh được xem sơn mài là khi đến thăm làng nghề sơn mài Hạ Thái. Khoảnh khắc tận mắt quan sát những đôi tay khéo léo cẩn trứng, cẩn trai, mài tranh đến sáng bóng của nghệ nhân làng nghề, trong lòng anh bỗng nảy sinh cảm giác trân trọng với nghệ thuật truyền thống. Chỉ một thời gian sau, anh bén duyên với làng nghề, bắt đầu học tập và trau dồi kỹ năng sơn mài tại Hạ Thái. Sau này, khi được gặp những chuyên gia sơn mài Đông Phương Art cũng như hiểu khát vọng đưa sơn mài tới bạn bè quốc tế của công ty, anh Hướng liền quyết định “đầu quân” cho công ty, và gắn bó đến ngày nay. 

Vừa ngắm tranh vừa nghe nghệ nhân sơn mài kể chuyện
Nghệ nhân sơn mài Phạm Văn Hướng

Đối với anh, điều khiến anh canh cánh nhất khi làm nghề, là phải vừa kế thừa bản sắc tranh sơn mài truyền thống, lại vừa phải phát triển tranh theo phong cách hiện đại. Bên cạnh đó, người nghệ nhân phải nằm lòng các giá trị truyền thống của tranh sơn mài, quyết không được làm lệch ý nghĩa của những bức tranh. Đây là thách thức không chỉ của anh Hướng mà còn của đội ngũ tâm huyết tại Đông Phương Art. 

Trong quá trình làm tranh, có nhiều khó khăn mà anh phải vượt qua, nhưng cũng có những câu chuyện rất đáng nhớ. Ví dụ như chuyện rất nhiều khách hàng muốn chụp ảnh với anh, muốn anh ký tặng lên bức tranh mà họ mua về làm quà tặng cho người thân. Đây là sự ghi nhận nghề nghiệp mà anh Phạm Văn Hướng rất trân trọng, giúp anh vững lòng vượt qua khó khăn để cống hiến cho nghề. 

Suốt 12 năm làm sơn mài, anh đã tạo ra hơn 10,000 bức tranh sơn mài đủ kích thước. Các tác phẩm của anh được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ, và được du khách khắp năm châu đón nhận vô cùng nhiệt liệt. Anh là một trong những nghệ nhân sơn mài tay nghề cao tại Đông Phương Art. 

Đọc thêm:

III. “Có những bức tranh vẫn chưa hoàn thiện, mà khách hàng đã bày tỏ mong muốn sở hữu ngay lập tức”

Câu chuyện nghề của nghệ nhân sơn mài Lê Thị Hợp cũng diễn ra thật tình cờ. Cô nhớ lại: 

“Năm 20 tuổi, tôi về thăm nhà một người bạn ở làng nghề Hạ Thái, được quan sát họa sĩ và nghệ nhân tạo ra một bức tranh. Tôi đặc biệt ấn tượng với bức tranh được cẩn vỏ trứng. Thật ngạc nhiên là một nguyên liệu tưởng chừng bỏ đi lại tạo ra được vẻ đẹp có hồn và có chiều sâu đến thế. Sau hôm đó, tôi về nhà tìm hiểu kỹ hơn về nghệ thuật sơn mài cẩn trứng, lâu lâu có dịp lại quay về làng nghề để quan sát và học hỏi. Dần dần, tôi đã có hiểu biết cơ bản về nghề sơn mài”.

Vừa ngắm tranh vừa nghe nghệ nhân sơn mài kể chuyện
Nghệ nhân sơn mài cẩn trứng Lê Thị Hợp

Khi Đông Phương Art thành lập và đặt xưởng tại làng nghề Hạ Thái,  cô Hợp liền trở thành một thành viên của công ty. Tại đây,  cô được tìm hiểu sâu hơn về Sơn mài từ lịch sử cho đến kỹ thuật. Từ hiểu đến yêu, tình cảm dành cho sơn mài lớn dần trong cô .  Cô say mê trau dồi kỹ năng, tái hiện lại các nét vẽ, các chi tiết bằng những mảnh trứng nhỏ, có hồn. 

Cô Hợp kể, một trong những thao tác khó nhất khi cẩn trứng là phải quét sơn sao cho mỏng, đều để cố định được vỏ trứng trên mặt tranh. Người nghệ nhân cũng phải học cách điều chỉnh lực xuống ống lăn hay búa để nén các mảnh vỏ trứng dính chặt vào lớp sơn trên mặt tranh. Những kỹ năng này không thể thành thạo trong ngày một ngày hai, mà phải trải qua nhiều năm bồi đắp kinh nghiệm. Tới giờ cô đã gắn bó với nghề được 11 năm, cô không chỉ nắm vững những kỹ năng cơ bản, mà còn không ngừng cải tiến các mẫu để thổi hồn cho tác phẩm. 

Trong quá trình làm tranh, cô gặp rất nhiều câu chuyện vui. Có những mẫu cô làm khách hàng cực yêu thích, dù chưa hoàn thiện, chỉ dừng lại ở việc cẩn trứng thô, mà khách hàng đã bày tỏ mong muốn được sở hữu ngay lập tức. Hay như khi khách hàng cùng con của họ ngồi cạnh cô, say mê ngắm nhìn và tán dương công việc cô làm – tất cả những điều đó giúp chị thêm yêu và tâm huyết với nghề sơn mài. Trong suốt thời gian làm việc, cô  đã tạo ra hơn 5000 bức tranh cẩn trứng mang đậm nét truyền thống Việt Nam. Những tác phẩm của cô được cả khách Việt Nam lẫn khách quốc tế đặc biệt yêu thích. 

Nghề sơn mài mang lại những giá trị mà các ngành nghề khác không có được: Đó chính là giá trị bảo tồn nghệ thuật truyền thống, giá trị nhân văn và giá trị bảo vệ môi trường. Xin chúc những nghệ nhân sơn mài luôn mạnh khỏe, luôn giữ được lửa đam mê trong trái tim – để cùng Đông Phương Art từng bước đưa văn hóa Việt Nam giới thiệu tới bạn bè khắp năm châu! 

    Đặt tranh theo yêu cầu





    Share

    Leave a Reply

    Your email address will not be published.