Nghề sơn mài: Trông trời, trông đất, trông mây

Nghề sơn mài phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Ngay từ những công đoạn đầu tiên, nghệ nhân sơn mài đã phải “trông trời, trông đất, trông mây” để tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất và trường tồn theo thời gian. 

I. Khâu làm vóc của nghề sơn mài xưa 

“Vóc” trong nghề sơn mài được hiểu là hình dáng cốt gỗ của sản phẩm. Một tấm vóc được chuẩn bị truyền thống phải trải qua các bước lớn: làm mộc, chống thấm, đi hom, lót gỗ. 

1. Cần khai thác gỗ rồi xẻ ra thành từng tấm – Không thể khai thác khi trời mưa, bão

Để có tấm vóc tốt thì cần chuẩn bị gỗ (làm mộc). Đây là bước đầu tiên trong công đoạn làm vóc. Mọi quá trình xử lý cây gỗ đều là thủ công. Trước tiên cần chọn loại gỗ đủ tuổi, đủ khỏe để làm cốt cho tác phẩm sơn mài. Tiếp theo, người làm nghề sơn mài sẽ xẻ gỗ ra thành từng tấm vuông vắn. Tấm gỗ để làm tranh sẽ có kích thước khác với tấm gỗ để làm hộp, vì vậy người thợ cần tính toán kỹ số lượng sản phẩm để làm mộc cho đủ.  

Ngày xưa, để có tấm vóc tốt, người làm nghề sơn mài phải phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Khi khai thác phải “trông trời, trông đất, trông mây” để đảm bảo an toàn, trời mưa bão bất chợt có thể thay đổi kế hoạch khai thác đã chốt. Thời tiết còn ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển và bảo quản gỗ. Nếu không chú ý thời tiết và bảo quản không cẩn thận, tấm gỗ sau khi gia công sẽ có nguy cơ bị ẩm, mối mọt,… Như vậy người thợ sẽ phải mất thêm thời gian khắc phục sự cố, tệ nhất là hỏng toàn bộ số vóc. 

Vào những ngày mẹ thiên nhiên đột nhiên “khó tính”, chỉ riêng khâu làm mộc có thể mất hàng tháng trời để chuẩn bị. 

Những tấm vóc làm tranh của Đông Phương Art nằm ngay ngắn trong xưởng, chờ đến lượt để mài
Những tấm vóc làm tranh của Đông Phương Art nằm ngay ngắn trong xưởng, chờ đến lượt để mài

2. Cần toát sơn rồi mài trong nước nhiều lần – Mất nhiều thời gian chờ đợi và xử lý

Toát sơn là việc phủ thật đều một lớp sơn lên toàn bộ mặt vóc. Cách pha sơn không cố định, mà thay đổi tùy theo kinh nghiệm và bí quyết từng xưởng nghề sơn mài. 

Gỗ là vật liệu có cấu tạo không đẳng hướng, tính chất cơ học của nó không đồng đều. Nói cách khác, trên cùng một miếng gỗ sẽ có chỗ chịu nén tốt hơn, có chỗ thì độ ẩm cao hơn. Ngay cả khi được khai thác đảm bảo, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, người làm nghề sơn mài vẫn phải đi hom để cải thiện tính chất này để tăng độ bền cho sản phẩm sơn mài. 

Khi hom, nghệ nhân sẽ dùng đất phù sa trộn sơn ta giã nhuyễn cùng giấy bản rồi hom, chít các vết rạn nứt của tấm gỗ. Sau mỗi lớp sơn, cần phải để vóc khô tự nhiên trong 2-3 ngày. Trời ẩm, sơn và vóc không khô được, nghệ nhân sơn mài sẽ mất nhiều thời gian chờ đợi và xử lý. Khi sơn đã khô, họ mới đem ra chà nhám bề mặt. Rồi cứ thế hom thêm 4-5 nước tương tự, cho đến khi tấm vóc đủ hoàn chỉnh để chuyển sang bước tiếp theo. 

Những tác phẩm sơn mài cẩn trứng của Đông Phương Art đã mài bóng sẵn sàng, chuẩn bị hong khô để chuyển sang bước hoàn thiện cuối cùng
Những tác phẩm sơn mài cẩn trứng của Đông Phương Art đã mài bóng sẵn sàng, chuẩn bị hong khô để chuyển sang bước hoàn thiện cuối cùng

Hom 4-5 nước đã gần như hoàn hảo rồi, nhưng để sản phẩm thực sự chống thấm, thực sự bền, người nghệ nhân sẽ dùng sơn pha loãng và quét đều lên bề mặt tấm vóc 3-4 lớp sơn lót mỏng. Cũng như hom, mỗi lớp sơn cần để khô tự nhiên khoảng 2 ngày. Khi sơn khô, họ sẽ dùng giấy nhám mài vóc trong nước trước khi tiếp tục lớp sơn tiếp theo. 

II. Xử lý nhựa cây Sơn – căn từng giờ, từng ngày

Việc làm vóc đã tiêu tốn của nghệ nhân khá nhiều về thời gian cũng như phải để ý kĩ lưỡng thời tiết. Nhưng để có màu sơn đẹp và đạt chuẩn, nghệ nhân nghề sơn mài còn phải căn từng giờ từng ngày để xử lí và khai thác nhựa sơn. 

Phải khai thác đúng thời gian trong ngày và khai thác theo mùa để nhựa không khô.  Mùa hè thường cắt từ 2-3 giờ, thu nhựa trước 8-9 giờ; mùa xuân, mùa thu có thể cắt muộn hơn nhưng cũng phải thu xong trước 10-11 giờ. Nếu cố tình kéo dài thời gian khai thác, nhựa cây sơn sẽ khô, đóng cứng lại. Như vậy cây sơn sẽ vừa ít nhựa vừa khó thu. Cứ cách 3-4 ngày người thợ phải cắt một lần, thời điểm cắt sơn chủ yếu về đêm để tránh ánh nắng mặt trời, làm khô nhựa. Khai thác nhựa sai thời gian sẽ phải hủy toàn bộ số nhựa sơn. Vào những ngày trời mưa, trời rét nhiệt độ xuống dưới 15ºC thì sẽ không phải đi đêm để làm, như vậy người thợ cũng đỡ vất vả phần nào.

Khai thác nhựa cây phải căn từng giờ, từng ngày (Ảnh minh họa)
Khai thác nhựa cây phải căn từng giờ, từng ngày (Ảnh minh họa)

Một điều nữa là nhựa sơn gây dị ứng, người không quen thường bị sơn ăn (lở sơn) ảnh hưởng đến sức khỏe. Các cụ xưa vẫn có câu thành ngữ “Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người” là vậy, nên nhiều nơi trồng sơn mà không thu hoạch được, phải bán non, hoặc thuê người đến cắt. 

Nhiều người làm nghề sơn mài chia sẻ, họ thường gặp phải tai nạn trong quá trình thực hiện tác phẩm. Chất liệu sơn ta được lấy từ cây Sơn không phải ai cũng có thể tiếp xúc. Nhiều người dị ứng quá nặng dẫn đến sưng phù, lở loét khắp da, ngứa ngáy khó chịu phải điều trị vài tháng trời mới có thể hồi phục bình thường. Sáng tác sơn mài vào mùa hanh khô thì các triệu chứng dị ứng càng dễ xảy ra hơn. Hanh khô cũng khiến sơn ta dễ bị cháy mặt, bên trên dù đen se mặt nhưng bên dưới vẫn bùng nhùng. Bởi vậy, những họa sĩ sinh sống ở nơi có khí hậu hanh khô sẽ bị cản trở đáng kể do tác động điều kiện thời tiết. 

III. Đam mê sơn mài giúp nghệ nhân trụ vững với nghề

Những vất vả của nghề sơn mài không thể quy đổi thành tiền. Đối với nghệ nhân,  nghệ thuật sơn mài đại diện cho tính cách dân tộc Việt Nam: luôn kiên cường trước khó khăn của cuộc đời, mạnh mẽ chống chọi những kẻ ngoại xâm, đồng thời tôi luyện cốt cách ngày càng vững vàng – giống như cốt gỗ trải qua hom lót nhiều nước. 

Không chỉ vậy, nghề sơn mài là nghề truyền thống của dân tộc, thể hiện niềm tự hào của người Việt. Bởi vậy mới nói, để dấn thân vào nghề sơn mài, họa sĩ phải cần nhiều hơn sự kiên trì và nỗ lực. Không ít người phải bỏ cuộc sau nhiều lần bị đánh lùi bởi điều kiện sức khỏe, tự nhiên nhưng cũng vẫn có nhiều nghệ nhân đã dành cả cuộc đời để cống hiến cho nghệ thuật nước nhà. Chính đam mê nghề sơn mài đã giúp những nghệ nhân trụ vững với nghề. 

Nghệ thuật có giá trị khi nghệ thuật mang đến cảm xúc, mang đến những câu chuyện những màu sắc riêng. Và nghệ thuật sơn mài mang đến những câu chuyện về sự tỉ mỉ, nỗ lực kiên trì vượt qua khó khăn. Càng dành nhiều thời gian tâm huyết thì kết quả cuối cùng càng có giá trị cao.

Nguồn tham khảo: Giá trị cây sơn trong phát triển kinh tế miền núi 

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.