Kỹ thuật sơn mài cổ điển và hiện đại. Phần 2: Vẽ tranh sơn mài, khảm trai, cẩn trứng

Kỳ trước, Đông Phương đã giới thiệu công đoạn làm vóc sơn mài – một trong các kỹ thuật đặc trưng của nghệ thuật sơn mài. Sau bước làm vóc, sẽ là bước trang trí bao gồm vẽ tranh sơn mài, khảm trai, cẩn trứng,… Trong khi làm vóc giúp tạo hình và gia tăng tuổi thọ cho sản phẩm sơn mài, thì công đoạn trang trí tạo nên cái hồn cho tác phẩm. Đây cũng là công đoạn mà góc nhìn cá nhân của người nghệ sĩ được thể hiện rõ ràng nhất.

I. Bước trang trí trong kỹ thuật làm sơn mài

Sau công đoạn hom và lót với rất nhiều lớp sơn, cũng như rất nhiều bước mài, chúng ta sẽ có một tấm vóc hoàn hảo với bề mặt nhẵn, mịn. Lúc này, tấm vóc đã sẵn sàng để sang bước trang trí.

Trang trí tranh hay các đồ dùng sơn mài cơ bản đều giống nhau. Tuy nhiên, không có một tác phẩm nào lại bao gồm nhiều hoạt động trang trí như tranh sơn mài. Vì vậy, Đông Phương quyết định tập trung nói về tranh trong bài viết này.

Như đầu bài viết có nói, trang trí giúp thổi hồn cho tác phẩm sơn mài. Điều này gắn với lý do sâu xa tại sao con người lại yêu thích nghệ thuật. Không giống như các loài linh trưởng khác, loài người chúng ta được phú cho khả năng liên tưởng vô biên. Khi tiếp xúc một tác phẩm nghệ thuật, chúng ta thấy cảm xúc của chính mình phản chiếu trong đó, như thể bức tranh đang truyền tải một thông điệp vô cùng riêng tư và thầm kín. Có thể nói, một phần hồn của bức tranh sơn mài, là hồn của người thưởng thức nó.

Không chỉ vậy, tác phẩm nghệ thuật là cách nghệ nhân diễn tả lòng mình. Văn học, tranh vẽ, âm nhạc, thơ ca, tạo hình, điêu khắc, phim ảnh,… đều mang góc nhìn độc đáo của người nghệ sĩ. Không ít nghệ nhân dành cả đời để sáng tác, đặt biết bao tâm huyết và tâm tư vào từng tác phẩm. Người nghệ nhân khiến bức tranh sơn mài trở nên sống động hơn, bằng chính linh hồn của mình.

II. Các cách trang trí tác phẩm sơn mài

Để trang trí một tác phẩm sơn mài, người nghệ nhân có thể áp dụng rất nhiều cách thức khác nhau. Tuy nhiên phổ biến hơn cả là ba cách: Vẽ tranh sơn mài, khảm trai và cẩn trứng.

1. Vẽ tranh sơn mài

Khu vẽ tranh sơn mài của xưởng sơn mài Đông Phương tại Làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp – Thành phố Thủ Dầu Một – Tỉnh Bình Dương

Vẽ tranh sơn mài là một kỹ thuật trang trí đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhằm thể hiện tính sáng tạo và độc đáo của tác phẩm. Không giống như các loại tranh acrylic, sơn dầu hay tranh giấy, vẽ tranh sơn mài bao gồm nhiều công đoạn hơn. Trong khi các loại hình tranh vẽ khác tách biệt vẽ và vóc, thì tranh sơn mài lại ngược lại: Chính công đoạn vẽ tranh, kết hợp cùng phủ dày và mài vẽ, đóng góp một phần không nhỏ vào hoàn thiện chất lượng tấm vóc và nâng cao tuổi thọ cho tranh sơn mài.

Công đoạn vẽ tranh sơn mài bao gồm hai bước lớn sau:

  • Bước 1: Làm nền: Dùng sơn hoặc keo dán để dát lá vàng hoặc lá bạc lên nền tranh, sau đó để khô 12 tiếng, rồi phủ sơn giữ lớp vàng bạc không bị trầy xước
  • Bước 2: Vẽ hoạ tiết: Vẽ tranh trực tiếp trên nền vóc đã được dán lá bạc, lá vàng. Sau đó, bức tranh sẽ phủ sơn dày, đợi khô thì tiến hành mài như đối với tấm vóc.

Những bức tranh của Đông Phương luôn được đông đảo khách hàng đón nhận; thường xuyên được các bộ, ban ngành như Bộ ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ khoa học công nghệ, Các ngân hàng … lựa chọn làm quà tặng mỗi dịp Lễ, Tết.

2. Khảm trai sơn mài

Nghệ nhân Đông Phương đang khảm vỏ xà cừ lên tranh

Vỏ trai, vỏ ốc,… là nguyên liệu trang trí nổi bật trong tranh sơn mài. Những bức tranh lấp lánh ánh xà cừ luôn trở thành tâm điểm trong mọi phòng trưng bày. Để có được bức tranh đẹp và ấn tượng, người nghệ nhân sơn mài phải thực hiện một công đoạn là khảm trai, hay còn gọi là công đoạn gia công phẳng vỏ trai.

Gọi là gia công phẳng, vì tất cả các chi tiết của vỏ trai, vỏ ốc sẽ được cưa và cắt bằng tay; sau đó sẽ được dán, ép phẳng lên bề mặt tấm vóc bằng loại keo chuyên dụng. Những miếng vỏ trai, vỏ ốc sẽ được nghệ nhân sắp xếp theo một trật tự thẩm mĩ, tạo nên những đường cong lấp lánh trên tà áo người thiếu nữ, hay những mái mà cũ đón nắng lung linh.

Công đoạn khảm trai có thể tóm tắt trong hai bước:

  • Bước 1: Nghệ nhân phác hình bằng nét chì lên bề mặt vóc.
  • Bước 2: Nghệ nhân tiến hành vẽ hoạ tiết lên vỏ trai và bắt đầu cưa để có những hoạ tiết như mong muốn.

Đối với những họa tiết nhỏ có độ chi tiết cao như hoa, lá, bướm bay, ngọn cỏ lay…, người nghệ nhân sơn mài sẽ dùng một loại dao trổ có mũi rất nhọn và cứng, người trong nghề gọi là mũi thép, để chạm khắc từng chi tiết.

3. Cẩn trứng sơn mài

Nghệ nhân Đông Phương đang cẩn trứng lên tấm vóc sơn mài

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, vỏ trứng vẫn giữ được vị trí đặc biệt trong quy trình trang trí tranh sơn mài. Không chỉ có hiệu quả cao trong diễn tả không gian, ánh sáng mà vỏ trứng mang đến cho người xem những cảm nhận chân thực và sâu sắc hơn về chất, cái hồn Việt trong tranh sơn mài.

Cẩn trứng lên sản phẩm sơn mài có nhiều kỹ thuật như cẩn úp, cẩn ngửa, dùng trứng rây,… Sắc độ đậm nhạt trên tranh cẩn trứng được tạo nên bởi thay đổi loại vỏ (vỏ trứng vịt có màu khác vỏ trứng gà), hoặc nướng vỏ trứng trước khi cẩn, hay tạo nhiều mảng vỏ trứng lớn nhỏ khác nhau. Công đoạn cẩn trứng thường kết hợp với vẽ tranh sơn mài để tạo nên các tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ.

Độc đáo hơn nữa là kỹ thuật cẩn trứng chìm, cẩn trứng nổi, đem đến những trải nghiệm mới lạ mà phải dùng bàn tay để chạm vào bức tranh và cảm nhận. Đó là sự kết hợp khéo léo trong công đoạn mài của nghệ nhân để đạt đúng dụng ý.

Các bước trong công đoạn gắn vỏ trứng có thể tóm tắt như sau:

  • Bước 1: Phác hình bằng nét chì lên bề mặt vóc.
  • Bước 2: Chuẩn bị vỏ:
    • Vỏ trứng tự nhiên được rửa sạch, đập nhỏ
    • Đối với các họa tiết sáng màu thì giữ nguyên màu tự nhiên; một số màu tối hơn thì nướng vỏ đến khi ngả nâu. Nướng vỏ trứng trong thời gian khác nhau sẽ cho ra các màu nâu với cấp độ đậm nhạt khác biệt
    • Bột vỏ trứng được giã bằng chày, kích thước khác nhau để tạo khoảng sáng tối cho bức tranh hoặc để tạo nét những chi tiết tỉ mỉ.
  • Bước 3: Gắn vỏ trứng lên tác phẩm sơn mài bằng keo chuyên dụng

III. Vật liệu cao cấp tạo nên vẻ đẹp cho tác phẩm sơn mài

Trong trang trí tranh sơn mài, vật liệu cao cấp là một yếu tố giúp bức tranh hoàn thiện hơn.

Với hình thức vẽ, người nghệ nhân xưa phải sử dụng sơn từ cây sơn để chế biến thành sơn ta. Theo Báo Phú Thọ chia sẻ về cây sơn, vào đầu thế kỉ XX, công nghiệp sản xuất keo, sơn chưa phát triển như bây giờ nên nhựa sơn trở thành nguyên liệu chính trong làm sơn. Nhựa cây sơn có độ gắn kết cao, nên rất được ưa thích trong làm mộc và sơn mài. Cây sơn tuy trồng nhanh, nhưng thời gian thu hoạch và xử lý nhựa lại kéo dài.

Ngày nay, để tiết kiệm thời gian, người nghệ nhân sơn mài có thể sử dụng sơn cao cấp nhập khẩu từ Nhật Bản. Người nghệ nhân sử dụng bột màu trộn với sơn này để tạo ra các tông màu đa dạng. Kết cấu này giúp màu tươi, bám chặt vào tấm vóc, và chịu được các công đoạn vẽ nhiều lớp – phủ dày – mài vẽ đặc trưng của nghệ thuật vẽ tranh sơn mài.

Bên cạnh sơn màu, nghệ nhân sử dụng lá bạc, lá vàng (vàng 10K, 14K, 24K – tùy theo nhu cầu của khách hàng) để tô điểm cho bức tranh. Vàng càng cao cấp, càng nâng cao giá trị của bức tranh sơn mài.

Một số tác phẩm trang trí bằng lá vàng tại Đông Phương Art:

Với hình thức khảm trai, người nghệ nhân sử dụng loại vỏ trai được thu thập tại các trang trại nuôi trai tiêu chuẩn tại Hạ Long và Phú Quốc. Con trai có độ tuổi càng lớn, vỏ càng rộng, màu vỏ càng đẹp – vì vậy, độ tuổi chính là tiêu chí tuyển chọn vỏ trai hàng đầu của các xưởng tranh sơn mài như Đông Phương. Nghệ nhân Đông Phương sẽ lựa chọn các vỏ có màu cầu vồng hoặc màu giống như lông công để khảm lên tranh sơn mài, tô điểm cho bức tranh những nét lấp lánh vô cùng hút mắt.

Cẩn trứng có lẽ là cách trang trí với vật liệu giản dị hơn cả. Vỏ trứng dùng trong sơn mài được lấy từ các trang trại sau khi con gà con vịt nở ra chứ không từ sát sinh. Vì thế, các bức tranh cẩn trứng đều mang năng lượng trong sáng, thanh sạch, là món quà được rất nhiều cán bộ cao cấp yêu thích.

——-

Vậy là Đông Phương đã giới thiệu về hai đặc trưng của nghệ thuật sơn mài là làm vóc và trang trí (bao gồm vẽ tranh sơn mài, khảm trai, cẩn trứng). Tuy nhiên, nghệ thuật sơn mài còn một đặc trưng nữa mà không một loại hình nghệ thuật nào có được, đó là công đoạn mài – đánh bóng. Công đoạn này có gì đặc biệt? Mời bạn cùng theo dõi bài tiếp theo trên website Đông Phương Art nhé!

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.