Cẩn trứng là gì? Phương pháp cẩn trứng có gì đặc biệt?

Trông không khác biệt so với các bức tranh sơn mài khác nhưng mỗi bức tranh sơn mài cẩn trứng đòi hỏi ở người thợ nhiều kỹ thuật đặc biệt. Vậy cụ thể cẩn trứng là gì? Phương này này có gì đặc biệt mà được ví như “kiệt tác của tự nhiên”? Xin mời bạn cùng Đông Phương Art tìm hiểu cụ thể trong bài viết sau đây.

Bài viết liên quan:

I. Cẩn trứng là gì?

Trong hội họa – mỹ thuật, cẩn trứng được hiểu là kỹ thuật gắn vỏ trứng lên các tác phẩm sơn mài. Cụ thể là vỏ trứng vịt và vỏ trứng gà. Đây là một kỹ thuật đặc trưng, được rất nhiều nghệ nhân sử dụng để tạo nên dấu ấn riêng biệt cho các sản phẩm sơn mài.

Cẩn trứng là kỹ thuật thể hiện sơn mài được nhiều nghệ nhân sử dụng
Cẩn trứng là kỹ thuật thể hiện sơn mài được nhiều nghệ nhân sử dụng

Không phải ai cũng có thể thực hiện kỹ thuật thể hiện sơn mài đỉnh cao này. Cẩn trứng đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao. Đặc biệt, họ cần phải cực kỳ tỉ mỉ, cẩn thận và có sự kiên trì bền bỉ. Từng vỏ trứng mỏng với nhiều kích cỡ và màu sắc khác nhau được ghép, dán lên tranh sơn mài. Bởi vậy, thao tác của người nghệ sĩ phải tuyệt đối chính xác để đảm bảo vỏ trứng ghép, dán lên khớp hoàn toàn với nét vẽ mà không bị vỡ vụn.

Vỏ trứng được sử dụng làm nên các tác phẩm sơn mài cẩn trứng hoàn toàn là vỏ trứng tự nhiên. Người nghệ sĩ sẽ dựa vào đặc điểm của từng loại vỏ trứng để phối hợp màu sắc sao cho phù hợp. Cụ thể, vỏ trứng gà có sắc trắng vàng sẽ tạo nên gam màu nóng. Trong khi đó, vỏ trứng vịt có sắc trắng xanh tạo nên gam màu lạnh. Nếu cần sử dụng gam màu đậm hơn, nghệ nhân sẽ thực hiện nướng vỏ trứng để tạo màu.

Chính sự biến chuyển về màu sắc của vỏ trứng, để làm một nghệ nhân cẩn trứng giỏi cần phải có sự “nhạy cảm” đặc biệt với sự thay đổi của sắc độ màu. Sự kết hợp hoàn hảo giữa màu sắc và kỹ thuật đỉnh cao sẽ tạo nên bức tranh sơn mài cẩn trứng đẹp, tinh tế và cực kỳ ấn tượng.

Hiện nay, cẩn trứng được chia thành 2 phương pháp bao gồm:

  • Cẩn trứng chìm: Vỏ trứng được sử dụng ngay sau lớp lót đầu tiên. Các lớp sơn phủ tiếp sau làm chìm dần chất liệu vỏ trứng.
  • Cẩn trứng nổi: Phương pháp cẩn trứng này sử dụng các chất liệu trang trí tranh sơn mài khác trước. Sau đó mới đến vỏ trứng và cuối cùng là vẽ.
Cẩn trứng chìm và cẩn trứng nổi được ứng dụng linh hoạt để thu hút người xem

Bạn có thể dễ dàng phân biệt cẩn trứng chìm và cẩn trứng nổi nhờ vào việc chạm tay vào bức tranh. Phẳng mịn là phương pháp cẩn trứng chìm. Nếu gợn gợn thì tranh sơn mài đó sử dụng phương pháp cẩn trứng nổi. Thông thường, để truyền tải đúng cái hồn của tác phẩm, người nghệ sĩ sẽ kết hợp cả 2 phương pháp cẩn trứng.

Một trong những điểm đặc biệt nữa mà không nhiều người biết đến của kỹ thuật cẩn trứng đó là tính nhân văn, nhân đạo của người nghệ sĩ sơn mài. Vỏ trứng được sử dụng hoàn toàn là vỏ trứng của vịt/gà con nở ra, không phải mua trứng về luộc và bóc vỏ. Ngoài ra, người làm còn tận dụng thu mua vỏ trứng từ nhà hàng để sáng tạo nên những kiệt tác.

Sau khi biết cẩn trứng là gì thì rất nhiều người tò mò về phương pháp cẩn trứng và quy trình làm tranh cẩn trứng. Bạn có thể tìm hiểu chi tiết trong phần thông tin tiếp sau đây.

II. Phương pháp cẩn trứng và quy trình làm tranh cẩn trứng

Vỏ trứng rất mỏng và mềm nên phương pháp cẩn trứng cần phải có những thao tác, kỹ thuật chuyên biệt. Về cơ bản, nghệ nhân sẽ thực hiện cẩn trứng như sau:

  • Vỏ trứng màu trắng gắn lên sản phẩm trước
  • Tiếp sau đó, nghệ nhân sẽ thực hiện nướng để vỏ trứng chuyển sang các gam màu trầm hơn hoặc chọn vỏ màu khác để cẩn lên các vị trí còn lại.
  • Để tạo nên sự khác biệt, sáng tạo cho tác phẩm tranh sơn mài cẩn trứng, nghệ nhân thực hiện dầm, xay hoặc rắc vỏ trứng lên bề mặt tác phẩm để tạo nên nhiều kiểu họa tiết khác nhau.
Cẩn trứng trở thành một “kiệt tác của tự nhiên” với sự kết hợp khéo léo từ người thợ làm nghề

Để hoàn thiện một bức tranh cẩn trứng, bạn cần thực hiện các công đoạn cụ thể sau đây:

Công đoạn 1: Chuẩn bị gỗ (bó cốt gỗ)

  • Nghệ nhân dùng đất phù sa trộn với sơn ta/sơn Nhật…
  • Sau đó, hỗn hợp trên được mang giã nhuyễn cùng giấy bản rồi đem hom, chít các vết rạn trên tấm gỗ. Mỗi lớp sơn tiếp theo đều sẽ lót thêm một lớp giấy và mài nhám để tạo vóc hoàn chỉnh.
  • Đục mộng mang cá để cài, gắn sơn vào các nẹp gỗ
  • Để gỗ khô sau đó tiếp tục sơn kín các mặt để đảm bảo gỗ không bị thấm nước, mối mọt.

Công đoạn 2: Cẩn trứng

Sau khi đã hoàn thành bước chuẩn bị gỗ, nghệ nhân bước sang bước cẩn trứng. Công đoạn thực hiện như sau:

  • Gắn, dán vỏ trứng lên bề mặt gỗ vừa chuẩn bị
  • Phủ sơn lên trên, mài phẳng
  • Cuối cùng là dùng màu để vẽ

Công đoạn 3: Mài, đánh bóng

  • Nghệ nhân pha dầu bóng để vẽ tranh nên độ bóng đã có trong cốt màu. Sản phẩm có độ sâu nên nghệ nhân cần mài mỗi lần vẽ. Bạn có thể dùng giấy nháp hoặc lá chuối khô. Đây là nguyên tắc bắt buộc, là điểm độc đáo của tranh sơn mài.
  • Tiếp tục dùng sơn phủ màu trong để tạo độ bền cho lớp trang trí. Cuối cùng là đánh bóng sản phẩm.

III. Kiệt tác nghệ thuật tranh sơn mài cẩn trứng

Tranh sơn mài cẩn trứng được giới nghệ thuật đánh giá là dòng tranh đặc biệt. Để hoàn thiện một bức tranh, người nghệ nhân cần vài tháng tỉ mỉ, dày công thực hiện. Đó là lý do các bức tranh sơn mài cẩn trứng luôn được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật, đặc biệt gây ấn tượng với người thưởng thức.

Bạn có thể xem một vài tác phẩm tranh cẩn trứng nổi bật và được giới phê bình đánh giá cao sau đây:

Một số bức tranh cẩn trứng mới hiện đã được đăng trên Facebook của Đông Phương Art.

Dù nước ta đón nhận bao nhiêu làn sóng nghệ thuật, dù thời gian có trôi qua bao nhiêu năm đi nữa, thì cẩn trứng vẫn là phương pháp đặc biệt để tạo nên kiệt tác sơn mài, là niềm tự hào của người Việt Nam suốt bao đời nay. Mong rằng chia sẻ của Đông Phương Art chúng tôi sẽ chạm được đến trái tim bạn, và truyền thêm cho bạn tình yêu nghệ thuật nước nhà. 

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.